Cha mẹ vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý đẳng trương, không quá 2 lần mỗi ngày để tránh ảnh hưởng đến niêm mạc.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Phó Trưởng khoa Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương), hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu, bé dễ mắc cách bệnh cảm lạnh, cảm cúm dẫn đến sổ mũi, nghẹt mũi. Khi đường thở bị tắc nghẽn trẻ thở khò nghè, chán ăn, ngủ kém, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là một trong những phương pháp hiệu quả khi mũi trẻ có nhiều dịch để giúp loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập qua đường thở. Dưới đây là các bước vệ sinh mũi đúng cách do chuyên gia đưa ra, cha mẹ có thể áp dụng tại nhà.
Bước 1: Phụ huynh chuẩn bị nước muối sinh lý, dụng cụ hút mũi, khăn bông. Bố mẹ nên chọn sản phẩm nước muối đẳng trương (tức là 1 lít dung dịch nước muối chứa 9g muối ăn), dạng ống đơn liều, tròn nhỏ, giúp tránh gây tổn thương màng niêm mũi, tạo cảm giác dễ chịu khi vệ sinh cho bé.
Bước 2: Đặt trẻ nằm nghiêng trên gối có độ cao vừa phải để thuận tiện cho việc hút mũi. Vi khuẩn trên tay dễ dàng lây lan vào mũi bé trong quá trình thực hiện, vì vậy, cha mẹ cần rửa tay sạch với xà bông hoặc khử trùng với cồn sau đó lau khô.
Cha mẹ không hút mũi quá 2 lần/ ngày cho trẻ, tránh ảnh hưởng đến niêm mạc. |
Bước 3: Phụ huynh nhỏ 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi bé để tạo độ ẩm, lỏng các chất nhầy để giúp việc hút mũi dễ dàng.
Bước 4: Cho đầu ống hút vào mũi của bé, làm theo hướng dẫn sử dụng mỗi loại dụng cụ. Theo chuyên gia, cha mẹ chú ý không nên hút mũi quá 2 lần/ngày, tránh ảnh hưởng đến niêm mạc.
Bước 5: Phụ huynh dùng khăn bông mềm ẩm để lau khô xung quanh mũi cho bé.
Bác sĩ cho rằng, việc hút mùi sai cách sẽ ảnh hưởng không tốt đến mũi, có thể làm xước niêm mạc gây đau rát nhiễm trùng cho bé. Vì vậy, mẹ cần chút ý những điều sau.
Không hút mũi khi bé vừa ăn no vì dễ gây ói mửa, cha mẹ nên tiến hành vệ sinh sau bữa ăn 30 phút.
Mẹ không dùng miệng để hút trực tiếp mũi cho bé vì hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu sẽ dễ lây nhiễm các loại virus, vi khuẩn từ người lớn.
Phụ huynh cũng nên sử dụng thuốc nhỏ mũi ghi rõ nguồn gốc, chứng nhận an toàn phù hợp với trẻ.
Trong quá trình vệ sinh, mẹ nên hút nhẹ nhàng vì khi hút mạnh, mô mũi trẻ có thể bị viêm, khiến tình trạng viêm mũi trở nên nặng hơn.
Nếu bé vẫn nghẹt mũi lâu và thường xuyên, phụ huynh đừng vội sử dụng kháng sinh mà nên đưa bé đến khám bác sĩ để có chỉ định dùng thuốc phù hợp.